Bếp là nơi giữ lửa, là trái tim của một ngôi nhà. Trong một không gian cao cấp, bếp không chỉ cần đáp ứng mọi nhu cầu về sinh hoạt của gia chủ mà còn phải thỏa mãn những yếu tố làm nên sự khác biệt. D-CREA sẽ cùng bạn đọc khám phá nghệ thuật thiết kế nhà bếp sang trọng, hiện đại với ý nghĩa mang đến không gian gắn kết thiêng liêng và lưu giữ những khoảnh khắc đáng nhớ cho cả gia đình.
Những yếu tố làm nên một không gian bếp đẳng cấp
Là một trong những không gian quan trọng nhất, thiết kế nhà bếp đòi hỏi một quá trình bao gồm nhiều yếu tố để thỏa mãn cả về thẩm mỹ và công năng. Một số điểm cần chú ý khi thiết kế bếp bao gồm:
- Tổ chức không gian: Việc lên ý tưởng cụ thể về bố cục, lưu thông, diện tích và quy cách của phòng bếp là cơ sở để thiết kế một không gian đầy đủ chức năng. Cần tìm hiểu mọi nhu cầu của gia chủ, từ sử dụng hàng ngày như nấu nướng hay những mục đích nâng cao như tổ chức tiệc, giải trí… để đưa ra quyết định chính xác.
- Phong cách chủ đạo: Thiết kế nhà bếp phải phù hợp với phong cách tổng thể của ngôi nhà, đảm bảo sự liên kết và hài hòa với những không gian khác.
- Chiếu sáng: Ánh sáng sẽ tô điểm cho diện mạo cho cả căn phòng. Một thiết kế tốt là khi kết hợp sử dụng ánh sáng tự nhiên và nhân tạo làm nên một không gian nấu ăn đẹp và tiện nghi.
- Vật liệu đẳng cấp: Những chất liệu nội thất thiết yếu trong nhà bếp đều phải được lựa chọn kỹ càng cả về hình thức và chất lượng.
- Thiết bị hiện đại: Các trang thiết bị, đồ da dụng hàng đầu khẳng định đẳng cấp cho căn bếp và góp phần tối đa hóa chức năng sử dụng.
- Nội thất bespoke: Đưa nội thất chế tác riêng vào trong thiết kế, khắc họa rõ phong cách và cá tính của chủ nhà.
- Tính bền vững: Áp dụng công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường để tiết kiệm tài nguyên nhưng vẫn mang lại hiệu quả.
Một số nguyên tắc tổ chức không gian bếp thông dụng
Bếp là một khu vực chức năng đặc biệt, do đó khi thiết kế cần phải nắm rõ những quy tắc để đưa ra cách bố trí không gian và xác định vị trí của các thiết bị quan trọng nhất, đảm bảo sự thuận tiện khi sử dụng.
- Nguyên tắc tam giác làm việc:
Nguyên tắc bố trí cơ bản nhất trong thiết kế bếp là tam giác làm việc. Tam giác làm việc là vùng được tạo thành từ ba khu vực làm việc chính trong nhà bếp: khu vực lưu trữ thực phẩm (tủ lạnh, giá kệ), khu vực nấu nướng (bếp) và khu vực dọn dẹp (chậu rửa).
Để đảm bảo sự thoải mái và an toàn, khoảng cách giữa mỗi cạnh của tam giác dao động từ 1 – 2.5m; tổng khoảng cách cả ba cạnh (chu vi) tam giác không nhỏ hơn 3,5m và không lớn hơn 8m.
2. Nguyên tắc bố trí khu vực bếp theo nhóm chức năng:
Dựa trên việc phân chia và sắp xếp không gian bếp thành những khu vực chức năng khác nhau, mỗi khu vực tập trung vào một hoặc vài nhiệm vụ cụ thể để tạo ra một quy trình làm việc hiệu quả, tối ưu.
Thông thường, bếp được chia thành 5 đến 6 khu vực chính:
- Lưu trữ và bảo quản: bao gồm các thiết bị như tủ lạnh, tủ đông, tủ trữ đồ… để bảo quản tất cả các loại thực phẩm tươi sống, đồ đóng hộp…
- Khu vực chuẩn bị: là nơi để sơ chế các nguyên liệu trước khi nấu. Khu vực này thường bố trí bàn bếp, tủ có ngăn kéo để lưu trữ các nguyên liệu và các dụng cụ cần thiết.
- Khu vực nấu ăn: tập trung tất cả các thiết bị như bếp, lò nướng và các dụng cụ liên quan khác.
- Khu vực rửa và vệ sinh: đây là khu vực đa chức năng để làm sạch các nguyên liệu trước khi sơ chế, bát đĩa sau khi sử dụng và xử lý rác thải. Các thiết bị được bố trí bao gồm, bồn rửa, máy rửa bát, thùng rác, dụng cụ vệ sinh…
- Khu vực bàn soạn: là nơi bày biện các món ăn đã được chế biến, phục vụ nhu cầu giải khát và cất giữ những đồ dùng như bát, đĩa, cốc, thìa…
- Bàn ăn: Nếu không gian cho phép, có thể bố trí mở rộng thêm một khu vực ăn trong bếp.
Bố trí cửa ra vào và lưu thông trong nhà bếp
Thiết kế cửa ra hay các loại cửa phân cách trong không gian bếp vào cần phải đảm bảo đủ chiều rộng (tối thiểu 0.8m) và không gây cản trở cho việc di chuyển hay va chạm với các thiết bị đóng mở khác.
Cần xem xét kỹ lưỡng hướng mở cửa. Nếu diện tích phòng bếp khiêm tốn, hãy ưu tiên các loại cửa mở hướng ra ngoài, tránh nên mở vào trong phòng sẽ làm hạn chế không gian và ảnh hưởng đến luồng di chuyển.
Các lối lưu thông trong nhà bếp phải rộng từ 0.9m trở lên, có thể thiết kế thông thoáng hơn để tạo không gian mở. Trong khu vực tam giác làm việc, khoảng cách di chuyển phải đảm bảo tối thiểu chiều rộng ít nhất 1m cho một người sử dụng hoặc 1.2m cho nhiều người.
Ở phần 1, chúng ta đã tìm hiểu những yếu tố thiết kế, các nguyên tắc cơ bản và cách bố trí lưu thông đảm bảo tiêu chí an toàn và tiện nghi cho một không gian bếp đẳng cấp. D-CREA tin rằng, áp dụng những điều này cộng thêm sự sáng tạo trong từng dự án chính là giải pháp hiện thực hóa những căn bếp “trong mơ” cho mọi gia chủ.
Đón đọc phần tiếp theo tại đây: Phần 2, Phần 3, Phần 4
(Hết phần 1)