Trong phần tiếp theo, D-CREA sẽ tiếp tục chia sẻ với bạn đọc những điều thú vị trong quá trình thiết kế phòng bếp. Dựa trên những nguyên tắc cơ bản ở phần 1, việc bố trí căn bếp đảm bảo mọi chức năng sẽ được phân chia thành nhiều bố cục mặt bằng khác nhau. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu kỹ hơn về từng loại cùng những ưu nhược điểm để có thêm nhiều thông tin tham khảo hữu ích khi lựa chọn phương án thiết kế.
Bố cục bếp chữ I (bố cục thẳng Single-Wall)
Đây là một trong những kiểu bố cục phổ biến trong thiết kế nhà bếp, đặc biệt là trong các không gian nhỏ hẹp như các căn nhà phố, căn hộ chung cư nơi diện tích bếp hạn chế. Các thành phần chức năng của bếp như bồn rửa, bếp nấu, tủ lạnh được bố trí dọc theo một diện tường duy nhất.
Ưu điểm:
- Tiết kiệm diện tích: Bố cục bếp chữ I tối ưu hóa việc sử dụng không gian bằng cách tận dụng một bức tường duy nhất để bố trí công năng, thích hợp với những không gian nhỏ hẹp.
- Dễ dàng tiếp cận: Với mặt bằng này, việc di chuyển trong bếp vô cùng dễ dàng, tránh được các chướng ngại vật không cần thiết và không bị cản trở tầm quan sát.
- Việc sắp xếp trục kỹ thuật theo một chiều giúp việc bảo trì và sửa chữa trở nên thuận tiện hơn.
- Thiết kế và thi công không quá phức tạp, có thể giúp gia chủ tiết kiệm chi phí.
Nhược điểm:
- Giới hạn chức năng đa nhiệm: Các khu vực làm việc sắp xếp theo một chiều khiến cho khả năng làm nhiều thao tác cùng một lúc trở nên khó khăn.
- Không gian quầy bếp hạn chế do bề mặt bị giới hạn theo kích thước của bức tường gây ra sự bất tiện trong trường hợp cần đặt để nhiều đồ trên mặt bếp.
- Không phù hợp với những nhu cầu nấu nướng phức tạp hay chiêu đãi, tiếp khách.
- Với thiết kế đơn giản, bếp chữ I có thể chưa đáp ứng được yêu cầu về thẩm mỹ của những gia chủ yêu thích sự hoàn hảo.
Bố cục bếp song song (Gallery Kitchen)
Mặt bằng bếp này được sử dụng trong các không gian hẹp, dài bao gồm tủ bếp và các thiết bị lắp đặt song song với nhau tạo thành một lối đi giữa. Bố cục này đủ không gian cho mọi chức năng và cho phép tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên thông qua cửa sổ hoặc cửa kính.
Ưu điểm:
- Di chuyển thuận tiện: Hai hàng tủ bếp và thiết bị nằm song song nhau, giúp tối ưu hóa quá trình chuẩn bị thực phẩm và nấu nướng.
- Tối ưu không gian lưu trữ: Với hệ thống tủ bếp cùng các kệ và ngăn kéo ở cả hai bên làm tăng diện tích kho lưu trữ một cách đáng kể.
- Bảo đảm khu vực làm việc linh hoạt: Việc có 2 quầy bếp cho phép bố trí công năng theo tam giác làm việc lý tưởng.
- Có thể kết hợp tạo ra một không gian mở, thoáng đãng và sáng sủa bằng cách lắp thêm cửa sổ, cửa ra vào.
Nhược điểm:
- Không đủ không gian và lối di chuyển nếu có nhiều người cùng sử dụng.
- Việc bố trí thêm các chức năng khác như bàn soạn, bàn ăn, chỗ ngồi sẽ là một thử thách.
- Thiết kế khu bếp độc lập ảnh hưởng tới luồng di chuyển trong nhà.
Bố cục bếp chữ L (L-Shaped Kitchen)
Sự lựa chọn phổ biến nhất cho thiết kế nhà bếp hiện đại là mặt bằng hình chữ L. Với cách sắp xếp này, các khu vực chức năng được bố trí dựa theo hai diện tường liền kề vuông góc với nhau, giúp tận dụng được tối đa không gian. Nhà bếp hình chữ L là một lựa chọn tuyệt vời cho cả không gian lớn và nhỏ.
Ưu điểm:
- Không gian thoải mái: Tạo ra một khu vực làm việc rộng rãi bởi bố cục tận dụng góc vuông làm tăng diện tích nấu nướng, thông thoáng khi di chuyển.
- Đảm bảo đầy đủ chức năng: Thiết kế chữ L thuận tiện cho việc bố trí các khu vực làm việc năng theo nguyên tắc của nguyên tắc tam giác bếp.
- Mở rộng chức năng dễ dàng: Có thể kết hợp không gian ăn uống hoặc bàn bar, quầy soạn, đảo bếp tùy theo nhu cầu sử dụng bởi thiết kế này không bị hạn chế không gian.
- Tối đa hóa không gian lưu trữ với những thiết kế tủ góc thông minh.
Nhược điểm:
- Chưa tận dụng được tối đa không gian: Trong một số trường hợp việc tiếp cận khu vực trong góc có thể bị hạn chế.
- Những không gian lớn đòi hỏi người sử dụng di chuyển nhiều hơn.
- Cần đầu tư thêm chi phí lắp đặt phụ kiện bếp để khắc phục những góc bất tiện mà người sử dụng khó tiếp cận được.
Qua phần 2 của bài viết, D-CREA đã giới thiệu với bạn đọc những loại bếp đơn giản, phù hợp cho cả không gian sống vừa và nhỏ. Hãy đón đọc phần tiếp theo để tìm hiểu thêm về những không gian bếp sang trọng, tiện nghi và hiện đại hơn nữa.
Ảnh: Internet.
(Hết phần 2)