Việc nắm rõ thành phần cấu tạo là yếu tố quan trọng làm nên những công trình vừa đẹp về thẩm mỹ, vừa có giá trị bền lâu. Đây là những điều cơ bản trong quá trình thi công và có ảnh hưởng nhất định trong việc lựa chọn giải pháp thiết kế kiến trúc. D-CREA sẽ chia sẻ những kiến thức liên quan đến các bộ phận chính của nhà dân dụng, giúp bạn hiểu rõ hơn về cách thức xây dựng và hoàn thiện một công trình.
Sơ lược về cấu trúc của nhà dân dụng
Nhà được xây dựa trên sự kết hợp của nhiều thành phần quan trọng, bao gồm:
- Cấu kiện tháng đứng: Bao gồm các yếu tố như móng, tường, cột và cửa.
- Các bộ phận nằm ngang: Bao gồm nền nhà, sàn, và mái (trong đó có hệ dầm hoặc dàn).
- Giao thông: Bao gồm hành lang và cầu thang.
- Các bộ phận khác: Ban công, lôi, ô văng, mái hắt, sênô (máng thu nước mưa).
Tùy theo mục đích sử dụng, những thành phần này có thể kết hợp lại với nhau theo nhiều cách bố trị đa dạng và phong phú khác nhau, tạo thành các phần riêng lẻ trong cấu trúc tổng thể của ngôi nhà.
Móng nhà
Móng là một phần quan trọng nằm dưới mặt đất. Nhiệm vụ chính của móng là chịu toàn bộ trọng lượng của ngôi nhà và truyền tải trọng xuống nền đất. Điều này đặt ra một số yêu cầu cho việc thiết kế và xây dựng móng:
Ổn định: Móng cần được xây dựng sao cho có khả năng chịu mọi tải trọng của ngôi nhà mà không bị biến dạng quá mức.
Bền chắc: Móng phải có độ bền cao để đảm bảo tính toàn vẹn của cấu trúc và an toàn cho người sống trong ngôi nhà.
Chống thấm: Để tránh tình trạng nước ngấm vào móng, gây hư hại cũng như ảnh hưởng đến cấu trúc nhà, móng cần được thiết kế để chống thấm.
Chống ẩm và ăn mòn: Do tiếp xúc với đất, móng đòi hỏi khả năng chống ẩm và chống ăn mòn để đảm bảo độ bền lâu dài.
Tường và Cột
Với vai trò đa dạng và vô cùng quan trọng, tường và cột trong công trình có những đặc điểm sau đây:
Phân chia không gian: Tường đóng vai trò quan trọng trong việc phân chia không gian bên trong ngôi nhà thành các phòng riêng biệt. Điều này đảm bảo công năng hoạt động của ngôi nhà.
Kết cấu bao che và chịu lực: Tường và cột cũng là những bộ phận giúp nâng đỡ và giữ cho ngôi nhà ổn định. Do chịu tải trọng của sàn và gác mái, tường và cột phải có độ cứng lớn, cường độ cao, và bền chắc để đảm bảo sự an toàn.
Khả năng thích ứng với thời tiết: Tường bao ngoài yêu cầu độ bền, chịu được các yếu tố thời tiết như mưa, nắng, gió, và bão. Điều này đặt ra yêu cầu về khả năng chống thấm, kháng nhiệt bức xạ của mặt trời, cách âm, cách nhiệt để đảm bảo sự thoải mái bên trong ngôi nhà.
Cửa sổ và cửa đi
Cửa sổ thường được sử dụng để lấy ánh sáng tự nhiên và thông gió cho ngôi nhà. Kích thước và vị trí của cửa sổ phải được thiết kế đảm bảo sự thoải mái và tiết kiệm năng lượng. Cửa đi cũng vai trò tương tự, đồng thời cũng phải đáp ứng yêu cầu về giao thông và ngăn cách.
Cửa và cửa sổ bên ngoài phải chịu được các yếu tố thời tiết như mưa, gió, và nhiệt độ. Thiết kế của chúng cần chú ý tới khả năng chống thấm, kháng nhiệt, và có thể cản mưa to, gió mạnh.
Lựa chọn những hình thức cửa thuận tiện cho việc lau chùi và bảo trì. Điều này giúp duy trì tính thẩm mỹ và tuổi thọ của chúng trong thời gian dài.
Trong một số trường hợp, cửa cần có cách âm để đảm bảo sự yên tĩnh bên trong ngôi nhà. Cách nhiệt cũng rất quan trọng để duy trì môi trường thoải mái, quan trọng hơn là phòng cháy và chống hỏa hoạn
Để tìm hiểu kỹ hơn về những yếu tố cấu tạo khác, D-CREA mời bạn đọc tiếp tục theo dõi các phần tiếp theo của chuỗi bài viết kiến thức chuyên ngành cùng chúng tôi. Hy vọng rằng, mỗi thông tin mà chúng tôi chia sẻ sẽ giúp bạn đọc có thêm những góc nhìn chuyên sâu hơn về lĩnh vực kiến trúc rộng lớn nhưng đầy thú vị.
Ảnh: Internet
Bài viết có tham khảo sách “Giáo trình Cấu tạo Kiến trúc” – NXB Xây dựng.
(Còn tiếp)