Xu hướng sống trong một không gian mở đã trở nên phổ biến bởi nó phù hợp với nhiều kiểu nhà ở cùng giải pháp thiết kế loại bỏ đi những bức tường ngăn cách để tối ưu hóa. Bên cạnh đó, một xu hướng mới là bán mở/ chia nhỏ – kết hợp những không gian tách biệt trong một không gian mở nhằm đáp ứng được những nhu cầu đặc biệt cũng đang nhận được sư quan tâm đáng kể. D-CREA sẽ cùng bạn đọc thảo luận về cả hai cách phân chia không gian này để từ đó đưa ra những quyết định phù hợp khi bạn muốn lên kế hoạch thiết kế ngôi nhà của mình.
Không gian mở
Không gian mở là thuật ngữ dùng để mô tả sơ đồ mặt bằng của một ngôi nhà có ít tường phân chia giữa các phòng. Trong bản vẽ không gian mở, người ta sẽ không ngăn cách phòng bếp, phòng ăn hay phòng khách độc lập mà có sự kết hợp giữa những khu vực khác nhau để tạo nên một không gian lớn và đa chức năng hơn.
Xu hướng thiết kế không gian mở ra đời từ những năm 1950 dưới tác động của sự gia tăng dân số và lối sống đơn giản hóa. Nó dần phổ biến ở Úc vào thập kỷ 1970 và sau đó trở thành một trong những chuẩn mực thiết kế cho các ngôi nhà hiện đại từ cuối từ những năm 1990.
Ưu điểm của không gian mở:
- Tận dụng diện tích tối đa, mở rộng chức năng để sử dụng không gian cho nhiều mục đích khác nhau như sinh hoạt chung, tiếp khách, ăn uống, giải trí.
- Tạo ra sự liền mạch và linh hoạt trong lưu thông, di chuyển bởi không gian ít cửa.
- Cải thiện tính xã hội và giao tiếp. Gia đình có thể giao lưu, trò chuyện với nhau dễ dàng hơn.
- Tối ưu ánh sáng tự nhiên giúp không gian thoáng đãng hơn.
- Khả năng tùy biến, thay đổi khi gia chủ muốn bố trí thêm chức năng hay nội thất cho không gian.
Hạn chế:
- Không đảm bảo sự riêng tư. Việc loại bỏ các bức tường sẽ kéo theo những vấn đề về tiếng ồn, mùi…
- Việc duy trì nhiệt độ và tiết kiệm năng lượng cũng là một vấn đề phải cân nhắc khi thiết kế không gian mở.
- Cần dọn dẹp và giữ gìn mọi thứ ngăn nắp bởi không gian mở có thể mang đến sự bừa bộn vì phải đáp ứng nhiều nhu cầu sử dụng cùng một lúc.
Không gian bán mở - chia nhỏ
Không gian bán mở là một hình thức tùy biến của không gian mở thông thường. Nó đảm bảo sự linh hoạt trong chức năng, đồng thời vẫn duy trì được tính riêng tư bằng cách chia nhỏ không gian với những phương án ngăn cách không cố định.
Nguyên tắc cơ bản là tạo ra các khu vực riêng biệt trong một không gian mở bằng cách phân tầng lửng, sàn nhà giật cấp, bố trí đồ nội thất, vách ngăn … mà không dùng tường.
Xu hướng này ra đời nhằm đáp ứng với cuộc sống tại nhà trong mùa dịch khi ngôi trở thành nơi làm việc, học tập, giải trí… của tất cả các thành viên trong gia đình. Những thay đổi này đòi hỏi các giải pháp tối ưu không gian để cho nhiều người sử dụng cùng lúc với những nhu cầu khác nhau. Vì thế, việc phân chia không gian mở thành những khu vực tách biệt là vô cùng cần thiết.
Ưu điểm của không gian bán mở:
- Đảm bảo sự riêng tư, điều mà không gian mở thông thường bị hạn chế.
- Cho phép bố trí không gian sống theo nhiều cách khác nhau, tùy chọn thêm các giải pháp vách ngăn tạm thời hoặc vĩnh viễn để sử dụng linh hoạt.
- Tận dụng được những ưu điểm của một không gian mở như cảm giác rộng rãi, đa chức năng, tăng cường ánh sáng tự nhiên.
Hạn chế:
- Việc xây dựng một không gian sống bán mở có thể gây tốn kém hơn bởi nó yêu cầu các loại vách ngăn, nội thất thích hợp khác nhau để ngăn cách hiệu quả và đảm bảo thẩm mỹ.
- Đòi hỏi sự tính toán kỹ lưỡng và hợp lý để không gian mở không bị phá vỡ mà vẫn có sự riêng tư cần thiết.
Lựa chọn không gian phù hợp
Các thiết kế không gian mở mang đến sự tự do linh hoạt, phục vụ đầy đủ những chức năng khác nhau. Khác xa với cách bố trí khép kín truyền, không gian mở đặc biệt hiệu quả trong căn nhà lớn và áp dụng được cả với những nơi có diện tích hạn hẹp. Những gia đình trẻ, người độc thân thường rất ưa chuộng hình thức nhà ở studio với thiết kế không gian tích hợp cả phòng khách, nhà bếp và phòng ăn. Ngoài ra, việc di chuyển giữa các khu vực cũng không bị gián đoạn.
Trong khi đó, không gian bán là một giải pháp tuyệt vời nếu bạn muốn trải nghiệm những ưu điểm của không gian mở mà vẫn có thể sử dụng những không gian tách biệt. Đây cũng là phương án hiệu quả nếu căn phòng có diện tích rộng trung bình, hoặc có hình dạng không vuông vức, khó định hình thiết kế. Những biện pháp sử dụng vách ngăn nhẹ, nội thất có khả năng phân chia hay giật cấp sàn sẽ hỗ trợ rất tốt để tận dụng và che đi những góc bất tiện.
D-CREA hy vọng rằng, những chia sẻ trên đây sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về các ưu – nhược điểm của không gian mở. Dựa vào những phân tích này, các kiến trúc sư của chúng tôi sẽ giúp bạn đưa ra những giải pháp hoàn hảo, phù hợp với sở thích và phong cách sống mà bạn mong muốn.
Ảnh: D-CREA