Trong phần một, D-CREA đã cùng bạn đọc tìm hiểu những khái niệm cơ bản về xu hướng thiết kế sinh thái đang rất phổ biến trong kiến trúc hiện đại, từ định nghĩa tới đặc trưng. Tiếp theo, chúng ta sẽ thảo luận những thông tin sâu hơn về nền tảng của thiết kế này để từ đó có thể đưa ra những giải pháp thông minh, hiệu quả và ấn tượng hơn.
Hiểu được những yếu tố bản chất của phong cách thiết kế sẽ giúp các kiến trúc sư ứng dụng chúng một cách tối ưu để đáp ứng nhu cầu của mọi người. Trên thực tế, không phải tất cả các không gian đều đảm bảo mọi nguyên tắc của thiết kế sinh thái nhưng việc kết hợp một số chi tiết và yếu tố phù hợp sẽ làm tăng thêm hiệu quả về thẩm mỹ và tiện nghi.
Ba nền tảng của thiết kế Biophilic bao gồm: Thiên nhiên trong không gian, Mô phỏng tự nhiên và Bản chất của không gian.
Thiên Nhiên Trong Không Gian (Nature In The Space)
Đây là việc tạo ra kết nối trực tiếp với các yếu tố thiên nhiên như động vật, thực vật, nước, ánh sáng tự nhiên và cảnh quan thiên nhiên.
- Kết nối trực quan với thiên nhiên: Là những giải pháp đem thiên nhiên vào không gian sống như thiết kế cửa sổ có thể nhìn thấy sân vườn, thêm chậu cây hoặc tường cây xanh.
- Kết nối phi thị giác với thiên nhiên: Tương tác nhằm kích thích các giác quan khác như âm thanh, xúc giác, khứu giác và vị giác để gợi nhớ về mối liên hệ của con người với thiên nhiên.
- Kích thích giác quan không theo nhịp điệu: Tạo ra sự phong phú về giác quan trong môi trường một cách ngẫu nhiên âm thanh từ nước hoặc tiếng cỏ cây trong gió.
- Sự thay đổi nhiệt và luồng không khí: Mô phỏng sự thay đổi nhẹ nhàng về nhiệt độ và luồng không khí để tái hiện môi trường tự nhiên.
- Sự hiện diện của nước: Bằng việc nhìn, nghe hoặc chạm vào nước.
- Ánh sáng động & khuếch tán: Sử dụng ánh sáng và bóng tối để mô phỏng điều kiện ánh sáng tự nhiên.
- Kết nối với quy luật tự nhiên: Tạo ra nhận thức hoặc thể hiện sự quen thuộc với thiên nhiên như sự thay đổi theo mùa.
Mô Phỏng Tự Nhiên (Natural Analogues)
Mô phỏng hay tương tự tự nhiên là sử dụng hình ảnh hoặc yếu tố tĩnh của thiên nhiên như vật liệu, chọn màu sắc và hình dạng có nguồn cảm hứng từ thiên nhiên. Mục tiêu là tái hiện và kích thích sự gần gũi với tự nhiên.
- Các dạng & mẫu hình sinh học: Sử dụng hình ảnh biểu tượng trong thiết kế như mẫu, hình dạng và cấu trúc tự nhiên.
- Kết nối vật liệu với thiên nhiên: Sử dụng vật liệu và cấu trúc phản ánh rõ ràng môi trường tự nhiên.
- Độ phức tạp & trật tự: Sử dụng những thông tin tương tác về thị giác như sự đối xứng, phân cấp và hình học từ thiên nhiên.
Bản Chất Của Không Gian (Nature Of The Space)
Đây là việc thiết kế không gian để phản ánh bản chất của môi trường tự nhiên và cách mà chúng ta tương tác với nó.
- Cái nhìn toàn cảnh: Là mong muốn bao quát, nhìn xa hơn môi trường xung quanh có được bằng cách bổ sung cửa sổ cỡ lớn hoặc vách ngăn trong suốt , thiết kế không gian mở, tầng lửng để tầm nhìn không bị gián đoạn.
- Nơi trú ngụ: Chú trọng vào khả năng quan sát từ một vị trí an toàn để tránh được những ảnh hưởng của các yếu tố xung quanh như tiếng ồn, các hoạt động gây mất tập trung. Nó cũng đồng nghĩa với việc tạo ra những góc riêng tư, ẩn mình giống như nơi trú ẩn trong tự nhiên.
- Yếu tố bí ẩn: Cảm nhận sự phấn khích và những yếu tố chưa biết của không gian ngoài trời trong không gian sống như những thiết kế gợi lên sự tò mò với chi tiết ẩn giấu, bố trí ấn tượng, bất ngờ nhằm thu hút và gắn kết con người với môi trường sống.
- Rủi ro – nguy hiểm: Kích thích sự hồi hộp trước mối nguy hiểm từ một rủi ro có thể xác định được, đồng thời đảm bảo cảm giác về một biện pháp bảo vệ đáng tin cậy. Những lối đi trên cao, tường kính khổng lồ hay bể bơi vô cực là những ví dụ cụ thể của các thiết kế này.
Nắm rõ được nền tảng của thiết kế Biophilic là cách để chúng ta tiếp cận rõ ràng hơn với khái niệm kiến trúc sinh thái, từ đó phát triển một không gian sống xanh, thân thiện và có lợi cho con người. Hãy đón đọc những phần tiếp theo với D-CREA để khám phá thêm những thông tin thú vị hơn nữa về xu hướng thời thượng này.
(còn tiếp)
Ảnh: D-CREA