Khi nghĩ về phòng khách, nhiều người thường tập trung vào những đồ nội thất lớn như sofa, TV hoặc bàn cà phê. Tuy nhiên, những chiếc bàn nhỏ như Side table (bàn phụ) và End table (bàn táp sofa) cũng đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối và nâng tầm cảm xúc cho không gian. Chúng không chỉ mang đến vẻ đẹp về thẩm mỹ mà còn phục vụ một số chức năng nhất định. D-CREA sẽ giúp bạn đọc phân biệt rõ hơn về tính năng và sự khác biệt giữa hai loại bàn này để lựa chọn đúng món nội thất phù hợp với nhu cầu và phong cách của mình.
Đặc điểm và chức năng của End Table – Bàn táp Sofa
End table hay bàn táp/ bàn cạnh sofa là một loại nội thất phụ trợ giống như tên gọi, chúng thường được đặt ở vị trí cuối sofa hoặc bên cạnh ghế trong phòng khách. Những chiếc bàn nhỏ này là một phần không thể thiếu của phòng khách, cho phép người dùng có thể sử dụng để đặt đồ uống, sách hoặc đèn. Chức năng chính của chúng là cung cấp một khu vực để đồ đa năng, vừa tầm tay tạo nên trải nghiệm sống thoải mái và thuận tiện hơn.
Tuy chỉ là một nội thất phụ trợ, nhưng những chiếc bàn táp lại đóng vai trò quan trọng, không thể coi nhẹ trong thiết kế nội thất. Bố trí End table hợp lý sẽ đem lại sự hài hòa giữa chức năng và thiết kế. Ví dụ, một bàn táp với ngăn kéo hoặc kệ cung cấp không gian lưu trữ bổ sung sẽ giúp không gian luôn gọn gàng, ngăn nắp. Ngược lại, một bàn táp tối giản có thể như một chiếc kệ trưng bày để chủ nhà “khoe” những món trang trí yêu thích, tạo thêm dấu ấn cá nhân cho căn phòng.
Hơn nữa, vị trí của bàn táp ở cuối sofa mang lại cảm giác cân bằng và đối xứng cho căn phòng. Nó hoạt động như một điểm tụ, thu hút ánh nhìn và tạo ra một hình ảnh tương phản với những nội thất lớn hơn. Cho dù bạn muốn thêm chức năng cho căn phòng hay làm mới thiết kế thì một chiếc bàn táp là sự lựa chọn rất đáng cân nhắc.
Những điểm đặc trưng của Side Table – Bàn phụ
Bàn phụ cũng có chức năng tương tự như các loại bàn phụ trợ khác nhưng vị trí đặt để và thiết kế có phần linh hoạt hơn. Chúng có hình dạng khác nhau, từ tròn, vuông đến hình khối trừu tượng, và được làm từ nhiều loại vật liệu như gỗ, kim loại và thủy tinh. Sự đa dạng này cho phép chủ nhà thoải mái chọn lựa bàn phụ phù hợp với phong cách trang trí của không gian.
Khác với bàn táp có vị trí cố định gần sofa hoặc ghế, bàn phụ có thể được đặt ở nhiều nơi trong nhà. Chúng có thể làm bàn cạnh giường trong phòng ngủ, điểm nhấn ở sảnh vào hoặc kệ lưu trữ ở hành lang. Sự linh hoạt này làm nổi bật tính chất độc đáo của bàn phụ là khả năng thích ứng.
Về mặt chức năng, bàn phụ thường được trang bị thêm các tùy chọn lưu trữ như ngăn kéo hoặc kệ để cất những vật dụng nhỏ như sách, tạp chí hoặc nội thất khác. Ngoài ra, với thiết kế đa dạng, chúng mang lại nhiều lựa chọn cho chủ nhà để thử nghiệm các phong cách khác nhau, từ bàn gỗ mộc mạc đến bàn kim loại hiện đại và bóng bẩy.
Một điểm khác biệt chính giữa Side table và End table là về thiết kế. Trong khi bàn táp chú trọng vào chức năng, thì bàn phụ thường được tạo ra với ý nghĩa nâng cao giá thẩm mỹ. Đôi khi, chúng được bố trí như điểm nhấn nổi bật, thu hút sự chú ý và tăng thêm vẻ sang trọng cho bất kỳ không gian nào.
So sánh về kích thước
Kích thước đóng vai trò quan trọng khi lựa chọn bàn phù hợp với không gian của bạn. Cả hai loại bàn đều đem lại những lợi ích đặc biệt khi chúng ta hiểu rõ kích thước của chúng.
End table – Bàn táp với diện tích bề mặt thường lớn hơn, là một nội thất quan trọng của phòng khách, đặc biệt trong những không gian rộng rãi. Bàn táp đặt bên cạnh sofa là nơi có thể đựng hoặc trưng bày tất cả vật dụng cần thiết và nâng cao hơn nữa là biến thành một góc minibar. Kích thước trung bình của bàn táp là khoảng 45-60cm chiều rộng, 60-66cm chiều cao, 45-60cm chiều sâu.
Side table – Bàn phụ tuy nhỏ hơn nhưng lại rất đa dạng trong việc bố trí. Kích thước nhỏ giúp chúng phù hợp với cả những không gian hẹp. Mặc dù diện tích bề mặt nhỏ hơn so với bàn táp, nhưng bàn phụ có ưu điểm là tính linh hoạt. Kích thước trung bình của bàn phụ là khoảng 38-50cm chiều rộng, 50-60cm chiều cao, 38-50cm chiều sâu.
Khi lựa chọn giữa hai loại bàn, chúng ta nên dựa vào nhu cầu cụ thể và không gian sử dụng. Nếu phòng khách rộng và cần một bề mặt lớn để đựng đồ vật thì bàn táp End table là lựa chọn hoàn hảo. Ngược lại, không gian nhỏ hoặc cần một nội thất linh hoạt cho nhiều phòng, bàn phụ side table là hợp lý và nhiều tiện ích.
Chất liệu
Bàn táp End table thường được làm từ chất liệu giống hoặc bổ sung cho các vật liệu của nội thất hiện có trong phòng khách. Thông thường, bạn sẽ thấy chúng được làm từ gỗ, kim loại hoặc thủy tinh, mỗi chất liệu mang lại vẻ đẹp và độ bền khác nhau. Gỗ tạo nên vẻ đẹp cổ điển, trong khi kim loại và thủy tinh mang lại cảm giác hiện đại.
Bàn phụ Side table thì được làm với chất liệu đa dạng hơn, không chỉ gỗ, kim loại và thủy tinh mà còn có những chất liệu như tre, bê tông, composite… phù hợp với nhiều phong cách thiết kế nội thất khác nhau.
Việc lựa chọn chất liệu không chỉ ảnh hưởng đến mặt thẩm mỹ mà còn liên quan tới chức năng của bàn. Gỗ và kim loại thường có độ bền cao và có thể chịu được những vật dụng nặng. Ngược lại, thủy tinh hoặc các chất liệu nhẹ khác thích hợp với đồ trang trí hoặc nhỏ nhẹ. Cần xem xét kỹ lưỡng để chọn được chất liệu không chỉ đẹp mắt mà còn đáp ứng đúng nhu cầu sử dụng của bạn.
Những chia sẻ từ D-CREA về hai loại bàn hy vọng sẽ mang lại những điều thú vị và hữu ích về thế giới đồ nội thất phong phú và đa dạng. Chúng tôi tin rằng những thông tin này sẽ giúp giải đáp một phần nào đó những thắc mắc của bạn khi quyết định chọn lựa sản phẩm phù hợp cho ngôi nhà của mình.
Ảnh: D-CREA