Những kiến trúc sư nổi tiếng bởi sự sáng tạo và kết hợp tài tình giữa tính thực tế và thẩm mỹ không chỉ qua những công trình bề thế, hoành tráng. Họ cũng đóng góp vào sự thay đổi và định hình xu hướng của ngành thiết kế nội thất với những tác phẩm kinh điển vẫn mang giá trị đi cùng năm tháng. D-CREA mời bạn cùng khám phá 15 thiết kế nội thất từ các kiến trúc sư lỗi lạc của thế kỷ 20 trong loạt bài viết này. Với con mắt nghệ thuật và tư duy thiết kế phi thường, họ là những nhân vật đã làm nên lịch sử kiến trúc bởi những tác phẩm “lịch sử” thể hiện sự đổi mới và là nguồn cảm hứng cho những thế hệ tiếp theo.
Ghế xoay LC7 Swivel Chair – Le Corbusier
Như một biểu tượng của kiến trúc thế kỷ 20, kiến trúc sư người Pháp Le Corbusier (10/6/1887 – 28/8/1965) đã thay đổi diện mạo của kiến trúc đô thị bằng những giải pháp thiết kế đáp ứng những nhu cầu của xã hội thời bấy giờ, bởi sự ảnh hưởng và những tác động của quá trình công nghiệp hóa. Sự kết hợp đầy mâu thuẫn giữa sự vẻ đẹp của kiến trúc Hy Lạp cổ điển và sự hiện đại lấy cảm hứng từ những vật liệu mới của Le Corbusier đã làm nên cuộc cách mạng trong việc sản xuất đồ nội thất từ thép ống, mang lại những tác phẩm kinh điển như chiếc ghế dài LC4 cùng các bộ sưu tập ghế ngồi LC2 và LC3.
Ghế xoay LC7 Swivel Chair: được Tập đoàn Le Corbusier ra mắt vào năm 1928, mang đến một thiết kế hấp dẫn và tiện nghi. Với khung thép được uốn cong, mài nhẵn, chiếc ghế này có bề mặt hình dạng tròn như lốp xe, bọc đệm với độ cong dày dặn. Phần lưng tựa và đặt tay cũng được bọc tinh tế như vậy. Hình thức độc đáo của LC7 không chỉ tạo ra sự thoải mái mà còn thể hiện sự phá cách, phản ánh tầm nhìn của Le Corbusier và đồng thời là biểu tượng hiện đại cho cam kết của hãng nội thất Cassina về chất lượng xuất sắc trong sản xuất và thiết kế.
Chiếc ghế văn phòng Larkin Building Office Chair – Frank Lloyd Wright
Frank Lloyd Wright (8/6/1867- 9/4/1959) là một kiến trúc sư nổi tiếng người Mỹ, ông được biết đến với những thiết kế nội thất và kiến trúc sáng tạo. Trong suốt sự nghiệp kéo dài 70 năm, ông đã để lại hơn 1.000 công trình kiến trúc, nhưng điều đáng chú ý là đóng góp của ông cho lĩnh vực nội thất và trang trí cũng vô cùng ấn tượng. Frank Lloyd Wright coi trọng việc thiết kế đồ đạc và nội thất của một công trình, xem đó như một phần quan trọng để tăng thêm vẻ đẹp thẩm mỹ. Ông cũng thể hiện sự quan tâm đặc biệt đến tính ứng dụng và chức năng của nội thất để phù hợp và không đối chọi với cấu trúc tổng thể của không gian.
Một trong những thiết kế nội thất huyền thoại của Frank Lloyd là chiếc ghế văn phòng Larkin Building Office Chair. Được thiết kế cho dự án Larkin Administration Building ở Buffalo, New York, chiếc ghế này là biểu tượng của sự kết hợp giữa tính thực tế và nghệ thuật. Sự ra đời của nó ánh dấu một bước khởi đầu trong xu hướng trang trí tối giản trong lĩnh vực thiết kế nội thất của Mỹ. Ghế được chế tạo từ thép và gỗ, thể hiện cam kết của Wright đối với tính thẩm mỹ hợp lý và sự hữu ích. Nó không chỉ là một chiếc ghế thông thường, mà là một tuyên ngôn phản đối các xu hướng thiết kế thịnh hành, cho thấy quan điểm thiết kế rất rõ nét của Flank là chống lại những chi tiết trang trí vô nghĩa và mở ra một kỷ nguyên mới của thiết kế gắn liền với chức năng.
Bộ sưu tập Ghế thư giãn MR Lounge Collection – Ludwig Mies van der Rohe
Ludwig Mies van der Rohe (1886-1969) là một kiến trúc sư nổi tiếng thế giới người Đức. Ông là một trong những người đặt nền móng cho sự phát triển của trào lưu Kiến trúc hiện đại của thế kỷ 20 và được xem như cha đẻ của phong cách Kiến trúc tối giản. Năm 1929, Mies van der Rohe thiết kế German Pavilion tại Triển lãm Quốc tế Barcelona. Đây là một trong những công trình kiến trúc nổi tiếng nhất của ông. Pabellón được xây dựng bằng kính, thép và đá cẩm thạch, thể hiện rõ phong cách kiến trúc tối giản của ông. Năm 1937, ông rời Đức sang Mỹ và trở thành giám đốc Trường Kiến trúc của Viện Công nghệ Illinois (IIT) ở Chicago. Tại đây, ông đã đào tạo ra nhiều kiến trúc sư nổi tiếng, góp phần phát triển phong trào Kiến trúc hiện đại ở Mỹ.
Bộ sưu tập ghế thư giãn MR Lounge Collection của Mies van der Rohe lấy cảm hứng từ các sử dụng thép sáng tạo của Marcel Breuer (kiến trúc sư kiêm nhà thiết kế nội thất nổi tiếng theo phong cách hiện đại người Hungary). Những tác phẩm này là sự tái hiện đương đại của ghế bập bênh bằng sắt từ thế kỷ 19, kết hợp kiểu dáng hiện đại thép với phong cách tối giản đương thời. Cam kết của Mies van der Rohe đối với sự đơn giản, tính công năng và việc khám phá các vật liệu tiên tiến đã góp phần quan trọng vào sự phát triển của thiết kế hiện đại, đồng thời giữ vững các nguyên tắc của trường phái Bauhaus.
(Còn tiếp)
Ảnh và nguồn: Internet.