Phong cách Hiện đại không chỉ là một trường phái thiết kế mà còn là một biểu tượng, một lối sống tiên tiến và thẩm mỹ. Sự kết hợp hoàn hảo giữa tính năng và vẻ đẹp đã đưa phong cách này trở thành lựa chọn hàng đầu của những người yêu thích hình thức thiết kế đơn giản, thông minh và tiện nghi. Cùng D-CREA khám phá những đặc điểm nổi bật của kiến trúc Hiện đại và bước vào không gian vô tận cùng xu hướng “hot hit” này của ngành kiến trúc.


Phong cách kiến trúc Hiện đại là gì
Kiến trúc Hiện đại (Modernism hay Modern Architecture) xuất phát từ sự phát triển của cách mạng công nghiệp diễn ra vào thế kỷ 19 và trở nên phổ biến trong nửa đầu thế kỷ 20. Với sự tiến bộ của công nghệ và khoa học, con người đã không ngừng tìm kiếm những giải pháp tối ưu hóa cho cuộc sống, và điều này cũng phản ánh rõ rệt trong kiến trúc.
Đó là một phong cách kiến trúc sáng tạo tập trung vào sự hài hòa giữa công năng và thẩm mỹ, tìm kiếm các giải pháp phù hợp với nhu cầu của thời đại, sự hiểu biết về kỹ thuật và công nghệ xây dựng.
Kiến trúc Hiện đại là trường phái thiết kế đề cao cấu trúc, chức năng, tổ chức sắp xếp hơn là trang trí. Các vật liệu đặc trưng cho kỹ thuật xây dựng trong thời kỳ đổi mới này được sử dụng phổ biến là bê tông, thép, kính. Những công trình nổi bật với hình khối và đường nét sắc sảo, dứt khoát, rõ ràng là biểu tượng của phong cách này.
Chú thích ảnh:
Ảnh 1: Tòa nhà Bauhaus, Dessau, Đức (thiết kế bởi kiến trúc sư Walter Gropius, 1925–1926).
Ảnh 2: Tòa nhà Quốc hội, Brasília, Brazil (thiết kế bởi kiến trúc sư Oscar Niemeyer, 1960).
Ảnh bên: Kim tự tháp của Bảo tàng Louvre ở Paris do kiến trúc sư I. M. Pei thiết kế (1983–89).


Sơ lược lịch sử ra đời và phát triển của phong cách kiến trúc Hiện đại
Kiến trúc Hiện đại xuất hiện cùng nền văn minh phương Tây với cuộc cách mạng công nghiệp vào cuối thế kỷ 18. Nó bắt nguồn từ mong muốn thoát khỏi những phong cách kiến trúc cũ để tạo ra một trường phái mới mẻ đề cao chức năng, áp dụng những thành tựu của cuộc cách mạng công nghệ, kỹ thuật và vật liệu xây dựng vào cuối thế kỷ 19.
Cuộc cách mạng vật liệu trong kiến trúc bắt đầu bằng việc sử dụng thép, kính và bê tông để xây dựng các công trình có kết cấu cứng cáp, mạnh mẽ và cao lớn. Năm 1848, sự ra đời của những tấm kính đánh dấu bước ngoặt trong kiến trúc với việc sản xuất các cửa sổ kích thước lớn. Cung điện Thủy tinh (Crystal Palace) ở Hyde Park, (London, Anh) được thiết kế bởi Joseph Paxton năm 1851 được coi là dấu ấn đầu tiên của kiến trúc Hiện đại.
Sự xuất hiện của các vật liệu và kỹ thuật mới đã truyền cảm hứng cho các kiến trúc sư thời bấy giờ tạm rời xa các mô hình kiến trúc tân cổ điển và chiết trung vốn thống trị kiến trúc châu Âu, châu Mỹ cuối thế kỉ 19. Quan điểm thiết kế nhấn mạnh tầm quan trọng của sự đơn giản, tiện dụng đã đặt nền móng cho triết lý trong thiết kế của kiến trúc Hiện đại. Những kiến trúc sư tiêu biểu của thời kỳ này là Louis Sullivan, Victor Horta, Hector Guimard, Antoni Gaudi và Otto Wagner.
Năm 1919 – 1933 đánh dấu sự ra đời của trường phái Bauhaus được thành lập bởi Walter Gropius. Trường phái này định hình phong cách kiến trúc Hiện đại bằng cách kết hợp các nguyên tắc thiết kế tối giản, chú trọng chức năng cùng với sự hợp tác giữa các kiến trúc sư và thợ thủ công. Đây là một giai đoạn đột phá trong kiến trúc, tạo nên sự chuyển đổi từ kiến trúc truyền thống sang kiến trúc đương đại.
Sau những năm đầu thế kỷ 20, phong cách kiến trúc Hiện đại đã tiếp tục phát triển và biến đổi theo thời gian. Xuất hiện những phong cách Phục hưng và Postmodern, với việc kết hợp các yếu tố truyền thống và hiện đại, tạo nên những kiệt tác kiến trúc đa dạng và độc đáo. Các gương mặt tiêu biểu đại diện cho giai đoạn này là là Le Corbusier (Thụy Sĩ – Pháp), Ludwig Mies van der Rohe (Đức), Kenzo Tange (Nhật), Richard Meier (Mỹ)…
Chú thích ảnh:
Ảnh bên: Biệt thự Villa Savoye, Poissy, Pháp do kiến trúc sư Le Corbusier thiết kế.
Ảnh dưới: Nhà thờ Saint Mary ở Tokyo do kiến trúc sư Kenzo Tange thiết kế năm 1964.

Những đặc trưng của phong cách kiến trúc Hiện đại
Phong cách Hiện đại thường được nhận biết qua những đặc điểm thiết kế độc đáo. Một số đặc trưng nổi bật của phong cách này bao gồm:
- Hình khối và bố cục rõ ràng: Các đường ngang, dọc, các góc vuông, hình chữ nhật, hình trụ và hình lập phương đem lại điểm nhấn mạnh mẽ.
- Thiết kế tối giản: Chú trọng vào bố cục không gian, vật liệu để đảm bảo chức năng. Các yếu tố trang trí không cần thiết được tinh giản tối đa.
- Mái rộng theo chiều ngang: Thiết kế sử dụng sân thượng lớn và khu vườn trên mái để tạo sự điểm nhấn theo phương ngang ở mặt đứng công trình
- Tường và cửa sổ kính cỡ lớn: Sử dụng thiết kế cửa sổ lớn, hoặc tường kính để tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên.
- Mặt bằng đa chức năng : Thay vì ngăn cách các không gian riêng biệt bằng tường, các mặt bằng rộng rãi, thông thoáng và đa chức năng được ưu tiên.
- Sử dụng vật liệu và kỹ thuật hiện đại: Vật liệu xây dựng hiện đại phổ biến là sắt thép, bê tông, kính. Kỹ thuật xây dựng như bê tông trần, đúc khối, cột thép, kết cấu không cột… được áp dụng linh hoạt.
- Sử dụng sáng tạo các vật liệu truyền thống: Các vật liệu xây dựng truyền thống như gỗ, gạch và đá được đưa vào trong thiết kế theo những cách đơn giản để thể hiện vẻ đẹp tự nhiên vốn có của mỗi vật liệu.
- Tương quan với môi trường xung quanh: Các công trình được thiết kế có mối liên hệ chặt chẽ với cảnh quan thiên nhiên, hiện trạng xung quanh.
- Bố cục bất đối xứng: Sử dụng những hình thái kiến trúc bất đối xứng từ các khối lớn với một mặt bằng rõ ràng, loại bỏ đi những yếu tố trang trí không cần thiết.
Thiết kế kiến trúc phong cách Hiện đại mang đến không gian sống thuận tiện và thú vị, nơi mà sự tinh tế trong thẩm mỹ và tiện nghi của công năng hội tụ. Cùng với sự phát triển của xã hội, những cải tiến trong phong cách kiến trúc này ngày một trở nên thân thiện, mang nhiều giá trị tinh thần hơn, bổ sung hoàn hảo cho những thiết kế nguyên bản có phần khô khan. D-CREA tin rằng trong tương lai, phong cách này sẽ tiếp tục được ưa chuộng và đổi mới, đồng thời không ngừng chứng tỏ sức mạnh và tầm ảnh hưởng đối với ngành kiến trúc – xây dựng đương đại.
Chú thích ảnh:
1 – Tòa nhà Seagram ở đại lộ Park và đường 53, Manhattan, New York, Mỹ do kiến trúc sư Ludwig Mies van der Rohe thiết kế.
2 – Nhà hát Opera Sydney ở Sydney, Australia, thiết kế bởi kiến trúc sư Jørn Utzon (1973).
3 – Biệt thự trên thác The Fallingwater House ở vùng nông thôn phía tây nam Pennsylvania, Mỹ do kiến trúc sư Frank Lloyd Wright thiết kế vào năm 1935.


