Tiếp nối phần 1 với những điểm nhấn đáng chú ý về kiến trúc cổ điển, D-CREA sẽ cùng bạn đọc tiến vào một hành trình mới đầy thú vị khám phá những phong cách kiến trúc độc đáo và lôi cuốn tiếp theo. Trong từng thời kỳ, cùng với sự thay đổi của xã hội, kiến trúc cũng có những bước chuyển mình để phản ánh chân thực những tinh hoa văn hóa, nghệ thuật và có ý nghĩa to lớn trong việc ghi lại những thành tựu vĩ đại của con người.


Phong cách kiến trúc nhà thờ hồi giáo Islamic
Bắt nguồn từ Trung Đông vào thế kỷ thứ 7, phong cách này là sự kết hợp của nhiều nền văn hóa, bao gồm Ả Rập, Ba Tư, Ottoman, và Moorish, tạo nên những đặc trưng rất riêng của Islamic.
Kiến trúc Hồi giáo có những phiên bản khác biệt theo từng khu vực. Những công trình phong cách Islamic được tìm thấy chủ yếu ở các quốc gia Ả Rập và các nước theo đạo Hồi trên thế giới, hay ở các nước châu Âu như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha. Nhà thờ Hồi giáo là biểu tượng của trường phái này với sân trong, mái vòm và cung vòng nhọn, móng ngựa, hình lá. Tháp chuông có kết cấu Minaret và dome (cái chum) nổi bật với chiều cao chót vót được chạm trổ tinh xảo bên trong đối lập với bề mặt vòm mái bên ngoài.
Màu xanh và trắng thường xuất hiện trong nội thất và ngoại thất của các công trình Hồi giáo. Những họa tiết hình học như các hình chữ nhật, hình sao, hình tròn và họa tiết chữ Arab thường được sử dụng trong trang trí kiến trúc Hồi giáo.
Một số công trình đại diện cho phong cách này là Nhà Thờ Hồi Giáo Mecca (Masjid Al-Harām, Ả Rập), Nhà thờ Hồi giáo Nasir-al Molk (Iran)…
Ảnh: Nhà thờ Hồi giáo Nasir-al Molk (Iran).


Phong cách kiến trúc Baroque
Nổi lên vào thế kỷ 17 tại châu Âu, đặc biệt là ở Ý và Pháp, phong cách Baroque đã tạo nên bước chuyển mạnh mẽ từ phong cách cổ điển sang lối kiến trúc thời bấy giờ với những công trình lộng lẫy đầy quyền quý.
Kiến trúc Baroque được đặc trưng bởi các yếu tố tương phản sáng – tối sống động, các cung vòm lồi lõm và các hình thức mặt bằng kiến trúc phức tạp, mang tính chuyển động dựa trên nền tảng hình oval. Chi tiết trang trí pha trộn giữa sự lặp lại, phá cách và biến thể từ các mô-típ cổ điển thời Phục hưng.
Hình mẫu tiêu biểu của kiến trúc Baroque là Nhà thờ Gesu (Ý), cung điện Versailles (Pháp), Nhà thờ St. Paul (Anh), Quảng trường Thánh Peter (Vatican).
Ảnh: Saint Peter’s Square, Vatican, Ý

Phong cách kiến trúc Tân cổ điển Neoclassical
Kiến trúc Tân cổ điển – Bán cổ điển Neoclassical xuất hiện vào cuối thế kỷ 18 và đầu thế kỷ 19. Đúng như tên gọi, kiến trúc Tân cổ điển là sự hồi sinh của kiến trúc cổ Hy Lạp và La Mã đồng thời có sự giao thoa với các trào lưu kiến trúc đương thời.
Phong cách này mang tính chất phóng khoáng hơn so với cổ điển, thể hiện sự tôn trọng với các nguyên tắc thiết kế kiến trúc tiền thân, mềm mại mà không khoa trương, phức tạp như kiến trúc Baroque. Kiến trúc tân cổ điển ấn tượng bởi những đường nét sạch sẽ, thanh lịch, vẻ ngoài cứng cáp, gọn gàng, các cột đứng độc lập và các tòa nhà đồ sộ.
Những công trình tiêu biểu cho phong cách này là Tòa nhà Ngân hàng Anh ở Liverpool, Nhà Trắng ở Hoa Kỳ và Tổng cục Bưu điện ở Dublin.
Những phong cách kiến trúc kể trên đánh dấu một chương hấp dẫn trong lịch sử kiến trúc thế giới, thể hiện sự tôn trọng sâu sắc đối với tôn giáo và nghệ thuật của nhân loại. Sự nguy nga, tráng lệ đậm nét xa hoa, tinh xảo là nguồn cảm hứng bất tận thế hệ kiến trúc sư ngày này có thể học hỏi và kế thừa.
Đón đọc phần tiếp theo cùng D-CREA để cùng chúng tôi tiếp nối hành trình khám phá về lịch sử nghệ thuật thiết kế đầy lôi cuốn.
Ảnh: Bank of England, London,
Nguồn ảnh: Internet.
(Hết phần 2)


