Ở phần 1 và phần 2 của loạt bài viết, chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu về những phong cách kiến trúc cổ điển, những công trình với vẻ đẹp lộng lẫy, xa hoa. Tiếp sau đây, D-CREA sẽ giới thiệu tới quý khán giả các trường phái kiến trúc ở thời kỳ tiếp theo, đánh dấu sự giao thoa giữa những yếu tố cổ điển và hiện đại, viết nên một giai đoạn chuyển mình đáng nhớ của nghệ thuật thiết kế không gian.


Phong cách kiến trúc Beaux Arts
Kiến trúc Beaux Arts là phong cách kiến trúc hàn lâm có nguồn gốc từ Trường Mỹ thuật ở Paris (École des Beaux-Arts) vào giữa những năm 1830. Phong cách này được hình thành dựa trên các nguyên lý thiết kế của chủ nghĩa Tân cổ điển Pháp, kết hợp với lối kiến trúc Gothic và Renaissance (Phục Hưng). Tuy nhiên, nó có sự pha trộn khi sử dụng các vật liệu hiện đại như thép và kính.
Đặc trưng của Beaux Art là thiết kế mặt đứng đối xứng, với các yếu tố trang trí cổ điển của Hy Lạp và La Mã như cột, phào, lan can, trán tường tam giác, cửa sổ chạm khắc tinh xảo. Bên ngoài là những chi tiết như góc tường lồi, ban công, sân thượng, dãy cột ở hiên nhà và hành lang được thiết kế công phu với tỷ lệ chặt chẽ.
Beaux Art thường được ứng dụng trong các các công trình công cộng với quy mô lớn, hoành tráng như Grand Palais (cung điện lớn) ở Paris, Pháp; Nhà Ga Trung Tâm (Grand Central Terminal), New York, Mỹ; Bảo tàng Metropolitan Museum of Art, Mỹ.
Chú thích:
Ảnh 1, 2: Grand Palais (cung điện lớn), Paris, Pháp.
Ảnh bên: Bảo tàng Metropolitan Museum of Art, Mỹ.


Phong cách kiến trúc Tân nghệ thuật – Art Nouveau
Art Nouveau là một phong cách kiến trúc và nghệ thuật phát triển vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Bắt nguồn từ châu Âu, phong cách này tạo nên một sự thay đổi hoàn toàn so với các quan niệm thiết kế trước đó. Nó phản ánh sự thay đổi của xã hội và cuộc cách mạng công nghiệp, đồng thời thể hiện nỗi khát khao sáng tạo và tự do trong nghệ thuật, kiến trúc.
Art Nouveau có nghĩa là “Tân nghệ thuật”, mang ý nghĩa phá bỏ những ảnh hưởng từ các thiết kế cũ đúng như tên gọi. Ở mỗi quốc gia, phong cách này được đặt những cái tên khác nhau như “Jugendstil” ở Đức, “Modernisme” ở Tây Ban Nha, “Stile Liberty” ở Ý và “Tiffany style” ở Mỹ.
Điểm đặc trưng của phong cách này là sự kết hợp giữa các đường cong tự nhiên và những yếu tố hình học hữu cơ, với cấu trúc bất đối xứng. Các thiết kế Art Nouveau thường thể hiện sự mềm mại và uyển chuyển lấy cảm hứng từ thiên nhiên, các họa tiết hoa lá, cỏ cây, động vật… với sắc màu rực rỡ.
Các công trình kiến trúc Art Nouveau nổi bật có thể kể đến như ngôi nhà Casa Batllo (Tây Ban Nha) do kiến trúc sư Antoni Gaudí thiết kế; bảo tàng The Applied Arts Museum (Budapest, Hungary).
Ảnh: Casa Vicens (Barcelona, Tây Ban Nha) được thiết kế bởi Antoni Gaudí.

Phong cách kiến trúc Art Decor
Art Deco là một xu hướng nghệ thuật và kiến trúc phát triển vào những năm 1920 và 1930, đặc biệt phổ biến trong thập kỷ sau Chiến tranh Thế giới thứ Nhất. Nó có nguồn gốc từ Pháp và sau đó lan rộng ra khắp thế giới, trở thành một trong những phong cách kiến trúc có ảnh hưởng mạnh mẽ trong thế kỷ 20.
Những đặc trưng dễ thấy nhất là thiết kế dựa trên các dạng hình học đơn giản như hình chữ nhật, tam giác, hình vuông, tròn để tạo nên các hoa văn và trang trí với đường nét sắc sảo, mạnh mẽ. Sử dụng màu sắc nổi bật như đen, trắng hoặc ánh kim để tạo độ tương phản ấn tượng. Các vật liệu cao cấp, hiện đại như đá cẩm thạch, đồng thau, crom, bê tông, thép, kính… cũng được đưa vào trong thiết kế nhằm truyền đạt cảm giác sang trọng, tinh tế, cho phép xây dựng những tòa nhà cao tầng sau này.
Art Deco có sự kết hợp của những phong cách kiến trúc đương thời, kỹ thuật thi công tinh xảo và sử dụng chất liệu phong phú. Trong thời kỳ hoàng kim, nó đại diện cho vẻ đẹp sang trọng, hào nhoáng và niềm tin vào tiến bộ xã hội và công nghệ. Phong cách này được ưa chuộng trong thiết kế công trình công cộng như các khách sạn, rạp chiếu phim, nhà hát và các tòa nhà thương mại.
Những công trình mang tính biểu tượng cho kiến trúc Art Decor là Tòa nhà Empire State, Tòa nhà Chrysler Building (New York, Mỹ), Khách sạn Hyatt Regency Nice Palais de la Méditerranée (Pháp)…
Ảnh: Tòa nhà Chrysler Building (New York, Mỹ).
Qua phần 3, chúng ta đã cùng nhau khám phá những phong cách kiến trúc nổi bật trong giai đoạn chuyển giao từ cổ điển tới thời kỳ cận đại. Những phong cách kiến trúc vẫn còn nguyên giá trị và đem lại nguồn cảm hứng vô tận cho các kiến trúc sư và nghệ sĩ. Hãy tiếp tục hành trình thú vị này cùng D-CREA ở những phần tiếp theo của loạt bài viết này với nhiều thông tin hữu ích hơn nữa.
(Hết phần 3).


